Tô Tem Sói
Tiểu thuyết Tôtem sói hoàn toàn không theo một bố cục tiểu thuyết kinh điển. Đây như thể là câu chuyện cố tình làm ra vẻ “biết đâu kể đó” của một nhân vật như thể là nhân vật chính - một thanh niên trí thức Bắc Kinh tên là Trần Trận, cùng các thanh niên trí thức khác đi về đất Nội Mông “lao động thực tế”. Câu chuyện được kể lại qua cái nhìn của Trần Trận, một trong bốn thanh niên trí thức Bắc Kinh, những người bị quy kết là con em của bọn “xã hội đen đi theo con đường chủ nghĩa tư bản”, bọn “độc quyền học thuật phản động” trong những ngày tháng “Đại cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc. Do cảnh ngộ, và do ác cảm với bọn “Hồng vệ binh ngu si dốt nát”, nên đầu mùa đông năm 1967 họ đã tạm biệt Bắc Kinh ồn ào, cùng nhau đi tìm cuộc sống yên bình trên thảo nguyên Nội Mông. Ở đây, Trần Trận đã được ông già Pilich nhận làm con nuôi. Và từ ông - một người sinh ra và lớn lên trên thảo nguyên Ơlôn, mang trong mình mọi tri thức sống và văn hóa của thảo nguyên - Trần Trận bắt đầu có tình cảm với sói, yêu sói và tôn thờ sói… Thậm chí Trần Trận còn chui vào hang sói bắt sói con về nuôi để tìm hiểu về cuộc sống của loài sói…
Vị trí của sói đối với thảo nguyên thật quan trọng. Nói như ông già Pilich “Sói chết sạch thì thảo nguyên cũng hết sống. Thảo nguyên mà chết, người và gia súc sống nổi không?”. Tình cảm của người dân thảo nguyên với sói cũng hết sức phức tạp. Họ giết sói nhưng đồng thời họ tôn thờ sói và “học tập từ sói”. Trong con mắt của người dân thảo nguyên, sói không phải là kẻ thù của họ. Sói chính là người bảo vệ thảo nguyên. Thảo nguyên có bốn đại họa: chuột, thỏ, rái cá cạn và dê vàng vì chúng là những động vật tận diệt đồng cỏ. Sói bắt chuột, bắt thỏ, bắt rái cá, đuổi dê vàng. Mùa đông trên thảo nguyên, súc vật chết bị đóng băng, đến mùa xuân khi băng tan, thịt súc vật bắt đầu thối rữa, chính sói lại là người dọn sạch những mầm dịch đó cho thảo nguyên. Chính vì vậy người dân thảo nguyên giết sói nhưng vẫn chung sống cùng sói. Họ học tập từ sói “chiến thuật” vây bắt con mồi, học từ sói tính kiên nhẫn và lòng quả cảm…
Điểm nhấn tạo sự lôi cuốn nhất của cuốn tiểu thuyết là ở chỗ tác giả thông qua thế giới sói đã tìm cách lý giải điều bí ẩn lớn của lịch sử: “Tại sao Thành Cát Tư Hãn lại có đủ sức mạnh tung hoành, xâm chiếm từ Á sang u, chỉ với một đội quân không lấy gì làm đông đảo?”. Thành Cát Tư Hãn đã học được sự hung bạo, kiên nhẫn, mưu trí, chiến thuậ từ sói chăng? Vì sao dân tộc Mông Cổ suốt đời sống trên lưng ngựa lại sùng bái sói, thờ tôtem sói?
Cuốn sách dạy cho chúng ta cách ứng xử với tự nhiên. Sự săn bắt tận diệt của con người là một đại họa. Người dân thảo nguyên Nội Mông săn bắn bao giờ cũng chừa những con cái đang bận đàn con, chừa những con nhỏ chỉ săn bắt những con đực. Vì họ quan niệm rằng nếu tận diệt thì sau này sẽ không còn nguồn thức ăn, cũng đồng nghĩa với việc tuyệt đường sống của chính họ…
TRÍCH DẪN ĐẶC SẮC
"Câu trả lời nằm ở những giao thoa văn hóa chung giữa phương Đông và phương Tây, đó chính là văn hóa du mục. Chủ nghĩa du mục mà người ta thường nói đến chất chứa rất nhiều khía cạnh bạo lực nhưng nó cung mang nhiều yếu tố tự do. Văn hóa sùng bái sói bắt đầu rất sớm ở Mông Cổ và phức tạp hơn rất nhiều so với bất cứ nơi nào khác trên thế giới." - Howard W. French, The New York Times
Cuốn tiểu thuyết (nếu ta chấp nhận Tôtem sói là tiểu thuyết) mở đầu bằng sự run sợ của Trần Trận trước một đàn sói anh bắt gặp trong đêm. Nhưng tiếp theo sự run sợ lại là sự kinh ngạc: con ngựa anh đang cưỡi dường như biết rõ anh là thằng ngốc lần đầu tiên đặt chân lên thảo nguyên, con ngựa đã nhiều lần tìm cách gợi ý cho anh ra những mệnh lệnh hợp lý, nhưng cuối cùng vì nó biết chắc kỵ sĩ là thằng ngốc, nên nó biết cách tự ý chiến đấu và thoát khỏi đàn sói để đưa anh trở về nơi hạ trại an toàn (trang 10). Chưa hết, ngay trong đêm run sợ đầu tiên ấy, Trần Trận cũng kinh ngạc nhận ra rằng sói không chỉ dữ, mà sói cũng nhát - nói cho đúng là sói cũng biết sợ - và sở dĩ vậy là vì sói thông minh, và vì sói thông minh nên mới có được cả hai khí chất đối lập nhau ấy, và cũng biết cả chỉ huy chiến đấu, biết tổ chức hành quân, biết phối hợp tác chiến (trang 26), chẳng khác gì con người.
Đọc tác phẩm này là một cơ may cho độc giả Việt Nam. Bởi các nhà văn sẽ tìm thấy trong đó những bài học về sáng tác, cách khai thác đề tài cũng như loại hình tác phẩm, các nhà khoa học, đặc biệt các nhà sử học sẽ coi cuốn sách như một giả thuyết về lịch sử trong đó đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến nguồn gốc loài người, về văn hóa, xã hội của Trung Quốc. Còn đối với bạn đọc trẻ, những người ham hiểu biết, đây sẽ là một cơ hội khám phá tuyệt vời về thế giới tự nhiên, về cuộc sống nơi thảo nguyên mênh mông. Tôtem sói là một kho tàng kiến thức kỳ diệu, thú vị về một nền văn hóa chưa được biết tới, chưa được đánh giá đúng.
Thông qua câu chuyện về loài sói, tác giả đã đặt ra hết sức tinh tế nhiều vấn đề phức tạp của đời sống như mối quan hệ giữa con người và con người, con người và dã thú… Có mấy vấn đề chính được tác giả đề cập và giải quyết thấu đáo bằng những cứ liệu khoa học hết sức thuyết phục: về cân bằng sinh thái; đặt lại những triết thuyết, quan điểm về nguồn gốc của loài người: điều kiện tự nhiên để người vượn trở thành người.
Ngôn ngữ của Khương Nhung không có gì là đặc biệt, nhưng ai đã cầm đọc thì khó có thể bỏ xuống dở chừng. Sức hấp dẫn của tác phẩm nằm ở lượng thông tin cực lớn, người đọc sẽ bị hút vào sự kiện và cách đặt vấn đề của tác giả.
Tô Tem Sói
Tiểu thuyết Tôtem sói hoàn toàn không theo một bố cục tiểu thuyết kinh điển. Đây như thể là câu chuyện cố tình làm ra vẻ “biết đâu kể đó” của một nhân vật như thể là nhân vật chính - một thanh niên trí thức Bắc Kinh tên là Trần Trận, cùng các thanh niên trí thức khác đi về đất Nội Mông “lao động...